Góc Chia Sẻ

Tại sao người Công giáo gọi linh mục là “cha”?

Hơi khó hiểu. Đức Giêsu, như được thuật lại trong Tin Mừng Mátthêu, đã phán, “Đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9). Thoạt nhìn, câu này có vẻ như đối nghịch với truyền thống Công giáo vẫn hay gọi các linh mục là “cha”. Thậm chí, câu ấy nghe ra giống như chúng ta cũng không nên gọi ngay cả bố ruột của chúng ta là cha nữa, vì chỉ duy Thiên Chúa mới xứng được gọi là Cha.

Chúng ta phải hiểu câu này thế nào đây?

Trong ngữ cảnh, câu nói Đức Giêsu nhắm vào thói đạo đức giả của các luật sỹ và người Pharisêu. Linh mục William Saunders, trên trang Catholic Exchange, đã tóm lược ý của Đức Giêsu qua câu nói này như sau:

Đức Giêsu quở trách họ vì họ đã không sống ngay lành để làm gương cho người khác; vì họ tạo ra đủ thứ gánh nặng tinh thần cho người khác bằng các quy định luật lệ chi li; vì họ kiêu căng trong khi thi hành chức vị của họ; và vì họ tự hợm hĩnh bằng cách cứ tìm chỗ danh dự mà ngồi, cứ tìm kiếm những lời tung hê cùng mặc, đeo những thứ khoe mẽ, tỏ vẻ ta đây. Về cơ bản, các luật sỹ và người Pharisêu đã quên mất là họ được kêu mời để phụng sự Thiên Chúa, cùng phục vụ những người được trao phó cho họ coi sóc, với lòng khiêm hạ và tinh thần quảng đại.

Căn cứ vào ngữ cảnh này, Đức Giêsu bảo đừng gọi ai dưới đất này với tước vị là “Rabbi”, là “cha”, “thầy”, theo nghĩa là cứ vơ lấy vào mình thẩm quyền của Thiên Chúa mà lại lãng quên trách nhiệm của tước vị này.

Trang Catholic Answers minh giải thêm bằng những lời giải thích cho thấy, “Đức Giêsu đã dùng tới phép ngoa dụ (hyperbole), để cho các luật sỹ và người Pharisêu thấy rằng họ đã rất sai lầm và hợm hĩnh, khi không khiêm tốn hướng nhìn lên Thiên Chúa như là nguồn cội của tất cả các thẩm quyền và phụ tính (fatherhood: quyền làm cha, địa vị làm cha) cũng như quyền giáo huấn, thay vào đó, họ đã tự cho mình là kẻ có thẩm quyền tuyệt đối, tự cho mình đóng vai cha chú, thầy dạy toàn năng”.

Điều này giúp chúng ta hiểu được, tại sao chính Đức Giêsu nhiều lần cũng dùng tước vị cha để chỉ các nhân vật không phải Thiên Chúa, chẳng hạn “ông Ápraham cha các ông…”, cha của Đứa Con Hoang Đàng, và người cha trần thế (xc. Mt 10,37). Đức Giêsu đã tự mâu thuẫn nếu Người thực sự đưa ra một lệnh cấm theo nghĩa chặt qua những lời quở trách các người Pharisêu. Ngữ cảnh chính là yếu tố mấu chốt giúp giải thích được các đoạn văn khó.

Khởi từ đây, chúng ta đặt lại vấn đề: Tại sao người Công giáo gọi các linh mục là “cha”?

Các linh mục, trong đạo Công giáo, vẫn luôn được coi là các người cha tinh thần. Thánh Phaolô đã xác quyết rõ ràng như thế trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, “Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi. Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 Cr 4,14-15).

Ngay cả giáo hoàng ngay từ thời kỳ đầu đã được biết đến như là “papa”, đấy là một từ Latinh mà một đứa bé vẫn dùng để gọi người cha của nó.

Từ “cha” cho thấy vai trò như là những người cha về mặt tinh thần của các linh mục, và cũng cho thấy chúng ta là những con cái về mặt đức tin như thế nào. Các vị lưu truyền và nuôi dưỡng đức tin, cùng giải thích, hướng dẫn cho các thiện nam tín nữ của mình. Đấy cũng là một trong những lý do mà Giáo hội Công giáo La-mã (Tây phương) vẫn lựa chọn lối sống độc thân cho các linh mục, vì nó giúp các ngài thanh thoả hơn, tự do hơn trong cương vị các người cha về mặt tinh thần của đoàn chiên mà Chúa đã giao phó.

Philip Kosloski
Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button