Góc Chia SẻTin TứcVăn Hóa - Lẽ Sống

Để tha thứ cho nhau trong gia đình đừng quên 9 điều này!

Tha thứ là một trong những chìa khóa cơ bản để cứu các gia đình. Do đó, điều quan trọng là phải học biết ngôn ngữ và cách hòa giải để không chỉ tha thứ mà còn có thể cầu xin sự tha thứ.

Từ: it.aleteia.org (21.02.2021)


1. Trước hết hãy tha thứ cho bản thân

Đó không phải là điều quá hiển nhiên, cũng không phải là điều dễ nhất để thực hiện, nhưng yêu bản thân mình là một giới luật. Không có yêu thương thì không có tha thứ. Chúng ta nghĩ về điều này khi nói đến tình yêu đối với Thiên Chúa và anh chị em, nhưng chúng ta thường quên nó khi nói đến tình yêu dành cho chính mình. Chúng ta thường hay nghiền ngẫm về sự tiếc nuối và hối hận: chúng ta đổ lỗi cho bản thân vì đã không có khả năng đương đầu với tình huống nào đó, vì đã không giữ lời hoặc mắc phải lỗi lầm cũng như đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu quá khứ ngăn cản chúng ta sống trong bình an, sống như là chính mình cách trọn vẹn, thì đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta phải tha thứ: cho người khác và cho bản thân.

2. Đừng nhầm lẫn giữa tha thứ với quên

Tiến trình tha thứ không phải là phủ nhận vết thương, chôn vùi nó bao nhiêu có thể. Trái lại, con đường tha thứ trước hết là con đường sự thật. Để tha thứ, cần nhận ra rằng chúng ta bị xúc phạm, cần nhận thấy và đặt tên cho hành vi phạm tội, cho dù chúng ta là thủ phạm hay nạn nhân.

3. Đừng “khai thác” sự tha thứ

Tha thứ có thể được sử dụng như một phương tiện để bóp nghẹt người khác, để thao túng, khiến người khác thành con nợ kép: “Anh không chỉ mang tội xúc phạm đến tôi mà anh còn phải cám ơn tôi, bởi vì tôi nhân hậu và tôi đã tha thứ cho anh”. Sự tha thứ giả tạo này đi ngược với thái độ thương xót thực sự, nó bị bóp méo hoàn toàn bởi vì không được tình yêu sai khiến, nhưng từ sự kiêu ngạo hay bởi ác tâm.

4. Hãy thanh tẩy những ý định của mình

Làm thế nào để phân biệt tha thứ giả tạo với tha thứ thực sự? Có nhiều tiêu chuẩn khác nhau để có thể phân định. Ví dụ, bạn cần đặt ra cho mình những câu hỏi đúng đắn: “Tôi đã sẵn sàng để xin sự tha thứ trước hay chưa?”; “Sự tha thứ của tôi có mục đích giúp người khác tiến bộ, nhất là liên quan đến lòng tự trọng của họ không?”; “Tôi có sẵn sàng tha thứ cho người khác trước khi người đó xin tôi thứ tha?”; “Tôi có thể tha thứ cho người khác mà không cần nói gì, nếu sự tha thứ của tôi có nguy cơ làm họ nhục nhã?”; “Tôi có sẵn sàng đợi chờ thời cơ – dẫu biết rằng thời điểm này có thể sẽ không bao giờ đến – để thể hiện sự tha thứ đó không?”.

5. Đừng nghi ngờ về sự tha thứ

Điều nguy hiểm thì không phải là tha thứ, nhưng ngược lại! Chúng ta nhìn nhau qua vẻ bề ngoài, bởi vì không có gì giống với sự với tha thứ (hoặc lòng tốt, hoặc thánh thiện) hơn là điều ngược lại của nó. Đối với sự thiếu khiêm tốn, chúng ta có thể lặp lại rằng sự tha thứ (xin hay cho) có thể được thể hiện bằng hàng nghìn cách khác nhau, không chỉ bằng lời nói.

6. Tha thứ bằng lời nói và / hoặc việc làm

Xin tha thứ, ban phát ơn thứ tha đôi khi không cần phải nói. Nhưng nó luôn luôn tốt khi bạn nói ra điều đó. Mở miệng ra và nói: “Xin bạn tha cho tôi” hoặc “tôi tha thứ cho bạn” là dấu chỉ của việc mở rộng tâm hồn. Tất nhiên, sự tha thứ có thể bao gồm một cái ôm chẳng hạn. Yêu thương – khi tình yêu truyền cảm hứng cho sự tha thứ – là biết cách tìm ra các hình thức cho phép nó thể hiện bản thân, đồng thời tôn trọng sự khiêm nhường và sự nhạy cảm của đối phương. Một nụ cười, một cử chỉ âu yếm, một lời nói dễ thương có thể trở thành những dấu chỉ rất rõ ràng của sự tha thứ cho nhau, ngay cả khi không phải lúc nào tha thứ cũng có thể thay thế bằng lời.

7. Tha thứ cần có thời gian (dạy cho trẻ em tha thứ cần phải kiên nhẫn)

Để được như vậy tiến trình tha thứ cần nhiều thời gian: Cha mẹ phải biết đồng hành với con cái của mình trên con đường này, đừng vội vàng hay nản chí. Điều quan trọng không phải là nhanh chóng tha thứ mà phải thật lòng. Một số người cảm thấy khó khăn khi nhìn thấy mức độ trầm trọng của hành vi phạm tội: họ cần được giúp đỡ nhìn lại quá khứ để nhận ra mức độ nghiêm trọng của những tổn thương mà họ đã gây ra hoặc phải chịu đựng. Quên đi không có nghĩa là tha thứ.

8. Tha thứ trong mọi dịp

“Quá muộn rồi” đó là lời dối trá của Satan. Chính hắn đã quả quyết rằng những thảm kịch của chúng ta hoàn toàn vô vọng, những gì chúng ta đã chọn lựa không thể thay đổi, và tha thứ thì không thể cho đi hay nhận lại. Chúng ta đã tin vào những lời dối trá đó của nó, bởi vì tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa xem ra quá tuyệt vời để có thể trở thành sự thật. Chúng ta thực sự không tin rằng “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể”.

9. Cầu xin Chúa Thánh Thần

Tha thứ giúp ký ức được chữa lành và thiết lập lại trong bình an. Nhớ lại hành vi phạm tội tôi phải chịu trở thành hành trình sống và phúc lành, ngay cả khi trước đây nó là con đường của sự chết và nguyền rủa. Thực ra, tha thứ là Phục sinh: bước từ cái chết sang sự sống. Chúa Giêsu sống lại đem lại cho chúng ta khả năng vượt qua này, đem lại cho chúng ta khả năng cầu xin tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22), nghĩa là tha thứ không giới hạn. Vì vậy, chúng ta không nên sợ hãi khi cầu xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhớ lại mọi lỗi lầm trong ký ức của chúng ta mà chúng ta cần phải tha thứ.

Tác giả: Luc Adrian
Chuyển ngữ: Giuse Võ Tá Hoàng

Nguồn: Giáo Phận Qui Nhơn

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button