Giáo Hội Hoàn VũTin Tức

Giáo phận Ahiara, Nigeria: Phải đón nhận giám mục được Đức giáo hoàng bổ nhiệm

WHĐ (10.06.2017) – Hôm thứ Năm 08-06 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến riêng một phái đoàn của giáo phận Ahiara (Nigeria); giáo phận này đã sống trong hoàn cảnh đau buồn từ nhiều năm qua. Phái đoàn gồm có Đức hồng y Onaieykan, Tổng giám mục Abuja kiêm Giám quản Tông toà Ahiara; các Đức giám mục: Obinna, Tổng giám mục Owerri; Kaigama, Tổng giám mục Jos kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nigeria; và Okpaleke, Giám mục giáo phận Ahiara. Cũng có mặt trong buổi tiếp kiến là Đức hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin và các vị lãnh đạo của Bộ Truyền giáo. Trong thành phần phái đoàn còn có một số linh mục và nữ tu.

Trong bài huấn từ dành cho phái đoàn, Đức Thánh Cha đã có những lời lẽ hết sức nghiêm khắc. Các linh mục của giáo phận này đã không chấp nhận Đức giám mục được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm từ hơn 4 năm qua vì vị giám mục ấy không thuộc bộ tộc địa phương.

Đức cha Peter Okpaleke là người thuộc bộ tộc Ibo, một bộ tộc chiếm đa số ở Đông Nam Nigeria, trong khi giáo phận Ahiara thuộc vùng đất của bộ tộc Mbaise, một khu vực có đông tín hữu Công giáo của bang Imo thuộc miền Nam Nigeria; và vị tiền nhiệm của ngài – đã qua đời năm 2010 – cũng là người Mbaise.

Khi cha Okpaleke được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Ahira, đã có những cuộc biểu tình phản đối và thỉnh cầu bổ nhiệm một giám mục trong hàng giáo sĩ địa phương.

Tuy nhiên, lễ truyền chức giám mục vẫn diễn ra vào tháng Năm, 2013 – mặc dù không phải ở giáo phận Ahiara, mà tại một chủng viện thuộc Tổng giáo phận Owerri.

Một bản kiến ​​nghị gửi cho Đức giáo hoàng Bênêđictô được “Liên minh những người Công giáo Igbo” phổ biến nói rằng, “Thật khó mà chấp nhận được rằng ngày nay không có một linh mục nào của Mbaise trở thành giám mục. Mbaise đã đón nhận, phát triển và hy sinh cho Giáo hội Công giáo. Giáo phận Ahiara có số linh mục trên đầu người nhiều hơn bất kỳ một giáo phận nào khác ở Nigeria và chắc chắn là có thừa linh mục đủ điều kiện để trở thành giám mục cho giáo phận”.

Giáo phận Ahiara hiện có khoảng 423.000 tín hữu Công giáo và 110 linh mục giáo phận.

Theo bản tin được trang mạng fides.org của Bộ Truyền giáo đăng tải, Đức Thánh Cha đã nói như sau:

***

“Tôi thân ái chào và cảm ơn phái đoàn đến từ Nigeria trong tinh thần hành hương. Đối với tôi, cuộc gặp gỡ này là một niềm an ủi vì tôi vô cùng đau buồn trước tình hình Giáo hội tại Ahiara.

Giáo hội –xin anh chị em thứ lỗi cho tôi về cách dùng từ– như đang ở trong cảnh góa bụa vì đã ngăn cản giám mục của mình nhận giáo phận. Đã nhiều lần, tôi nghĩ đến dụ ngôn các tá điền sát nhân mà Tin Mừng nói đến (x Mt 21,33-44), những kẻ này muốn chiếm đoạt gia tài. Trong hoàn cảnh này, giáo phận Ahiara như thiếu vắng vị hôn phu và mất đi khả năng sản sinh hoa trái. Giáo phận không thể sinh hoa kết trái.

Những người phản đối việc nhậm chức của Đức giám mục Okpaleke muốn phá huỷ Hội Thánh. Không được phép làm như thế. Có lẽ họ không nhận ra điều ấy nhưng Giáo hội đang đau khổ và Dân Chúa ở trong Giáo hội cũng phải đau khổ. Giáo hoàng không thể làm ngơ.

Tôi biết rất rõ những việc diễn ra ở giáo phận này trong nhiều năm qua, và tôi cảm ơn Đức cha Okpaleke về thái độ hết sức kiên nhẫn của ngài, thậm chí có thể nói là sự kiên nhẫn thánh thiện mà ngài đã chứng tỏ. Tôi đã lắng nghe và suy nghĩ rất nhiều, kể cả ý tưởng về việc xoá tên giáo phận. Nhưng rồi tôi nghĩ lại rằng Hội Thánh là mẹ và Hội Thánh không thể bỏ rơi con cái mình là anh chị em. Tôi cảm thấy vô cùng đau xót cho những linh mục đang bị lợi dụng, có lẽ cũng từ nước ngoài và từ bên ngoài giáo phận.

Tôi nghĩ rằng đây không phải là vấn đề bộ tộc nhưng là vấn đề chiếm đoạt vườn nho của Chúa. Hội Thánh là mẹ và những ai xúc phạm đến mẹ thì phạm tội trọng. Đó là lý do tại sao tôi quyết định không xoá tên giáo phận. Nhưng tôi muốn đề ra một số hướng dẫn cho mọi người: trước hết phải nói rằng Giáo hoàng vô cùng đau buồn. Nên tôi yêu cầu tất cả các linh mục hay giáo sĩ thuộc giáo phận Ahiara, đang ở trong giáo phận hay làm việc ở nơi khác, kể cả ở nước ngoài, phải gửi thư cho tôi để xin tha thứ. Thư phải được tự tay viết ra và mang tính cá nhân. Tất cả chúng ta phải đau nỗi đau chung này.

Thư này:

  1. Phải bày tỏ rõ ràng lòng vâng phục hoàn toàn Đức giáo hoàng, và
  2. Người viết phải sẵn sàng chấp nhận vị giám mục mà Đức giáo hoàng sai đến và vị giám mục được bổ nhiệm.
  3. Thư phải được gửi đi trong vòng 30 ngày kể từ hôm nay cho đến ngày 09 tháng Bảy tới. Những ai không thực hiện sẽ bị huyền chức ipso facto (tức khắc) và bị cấm thi hành tác vụ.

Điều này xem ra thật nghiêm khắc nhưng tại sao Giáo hoàng làm như thế? Bởi vì người ta đã làm gương mù cho Dân Chúa. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng những kẻ gây gương mù thì phải gánh chịu hậu quả. Có lẽ ai đó đã bị lợi dụng mà không nhận thức được đầy đủ về vết thương gây ra cho sự hiệp thông của Giáo hội.

Với anh chị em, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của tôi về sự hiện diện của anh chị em ở đây, cũng như đối với Đức hồng y Onaieykan vì sự kiên nhẫn của ngài và với Đức cha Okpaleke, người mà tôi khâm phục không chỉ lòng kiên nhẫn của ngài mà cả sự khiêm tốn nữa. Xin cảm ơn mọi người”.

(Tổng hợp từ Fides Agenzia và nguồn khác)

 

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button